Tại sao Lưu học sinh cần đăng ký với Đại sứ quán?


Tại sao Lưu học sinh cần đăng ký với Đại sứ quán?
Các bạn sinh viên, nhất là những sinh viên học kinh tế, thường đặt câu hỏi “Đăng ký với ĐSQ thì được gì và mất gì?”. Đăng ký là thủ tục chúng ta phải làm thường xuyên: ở địa phương, có đăng ký thường trú; khi đến khách sạn hay một nơi nào khác, cần đăng ký tạm trú; để được nhận vào học tại một cơ sở nào đó, cần đăng ký nhập học; đến một nước nào đó, cần phải làm thủ tục nhập cảnh – thực chất cũng là đăng ký.
Đại sứ quán Việt Nam là cơ quan đại diện cho Việt Nam ở nước ngoài, với một trong các nhiệm vụ là bảo vệ công dân VN tại nước đó. Việc đăng ký với ĐSQ là nghĩa vụ và đồng thời cũng là quyền lợi của công dân.

Là nghĩa vụ vì việc đăng ký của bạn giúp cho ĐSQ nắm được tình hình công dân nước mình tại nước sở tại, có được các số liệu thống kê phục vụ cho việc hoạch định và thực thi các chính sách. Là quyền lợi vì bạn sẽ được ĐSQ bảo vệ các quyền lợi hợp pháp khi những quyền lợi đó của bạn bị vi phạm. Làm sao ĐSQ có thể hỗ trợ được bạn khi không biết bạn là ai, làm gì, ở đâu, liên hệ với bạn như thế nào?

Thời gian qua, ĐSQ nhận được không ít hộ chiếu VN (bị mất, được cảnh sát Pháp tìm thấy và chuyển cho ĐSQ) nhưng không thể tìm được chủ nhân của chúng vì không có địa chỉ hoặc điện thoại. Rất nhiều sinh viên, vì các lý do khác nhau (để xin việc làm, người nhà được cất nhắc vào những vị trí quan trọng và nhiều hoàn cảnh khác rất đa dạng khác), cần giấy chứng nhận của ĐSQ đối với thời gian học tập tại Pháp nhưng ĐSQ làm sao có thể cấp giấy chứng nhận cho các bạn nếu không hề biết về các bạn?

Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi “được gì?”. Đáng tiếc là tôi vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi “mất gì” (sơ bộ mới thấy mất khoảng 5’ để điền vào “Bản tự khai Lưu học sinh” và 1 con tem để gửi bưu điện”). Rất hy vọng những bạn đã đăng ký với ĐSQ giúp trả lời “câu hỏi khó” này.

Vì thế, các bạn lưu học sinh (kể cả những sinh viên du học theo diện tự túc) nên tiến hành các thủ tục sau đây:
  • Sau khi đến Pháp, gửi “Bản tự khai lưu học sinh” cho Bộ phận công tác lưu học sinh của ĐSQ.
  • Trong quá trình học tập, thông báo cho ĐSQ kết quả học tập và những thay đổi cần thiết liên quan đến chỗ ở, điện thoại. Kịp thời liên hệ với ĐSQ khi cần sự hỗ trợ.
  • Trước khi về nước, đề nghị ĐSQ cấp Giấy chứng nhận về thời gian học tập tại Pháp và về việc chấp hành các quy định của VN cũng như của nước sở tại./.

Không có nhận xét nào: