Robot làm hướng dẫn viên bảo tàng


“Xin chào quý khách, tôi là robot hướng dẫn bảo tàng. Tôi có thể giúp gì cho quý khách", con robot của Viện nghiên cứu quốc tế, Đại học Bách khoa Hà Nội, nói.

Robot cao khoảng 1 m, chạy bằng điện hoặc pin, di chuyển bằng bánh xe. Trên robot gắn camera thực hiện chức năng thị giác, micro nhận dạng tiếng nói và tám cảm biến hồng ngoại giúp nó di chuyển thuận lợi.

Robot còn được trang bị màn hình cảm ứng kết hợp camera để quan sát hình dáng và cử chỉ người đối thoại. Cũng từ màn hình này, robot nhận lệnh và giới thiệu thông tin đến người dùng bằng hình ảnh tĩnh, động.

Với cơ sở dữ liệu tích hợp bên trong, robot có khả năng hiểu một số câu hỏi, cung cấp thông tin về các hiện vật trưng bày trong bảo tàng mỗ khi khách tham quan yêu cầu.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường và robot hướng dẫn viên bảo tàng.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Viện phó Viện nghiên cứu quốc tế (MICA), giảng viên chương trình PFIEV Hà Nội, chủ nhiệm đề tài cho biết, khi cảm nhận khách tới gần, robot sẽ hỏi: “Xin chào quý khách, tôi là robot hướng dẫn bảo tàng. Quý khách muốn biết thông tin về bức tranh, con trâu hay thông tin về tôi?", lúc này, nếu vị khách nào có yêu cầu robot sẽ cung cấp thông tin.

"Robot trước đây thường dùng điều khiển từ xa, nhưng với robot thông minh có khả năng giao tiếp bằng tiếng nói, khách tham quan sẽ có cảm giác như đang nói chuyện với một người khác chứ không phải là một cái máy", tiến sĩ Cường nói.



Để sử dụng robot, nhóm của ông Cường xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về các hiện vật trưng bày trong bảo tàng với sự trợ giúp của các chuyên gia như đồ gốm sản xuất như thế nào, để làm gì và ở đâu, hay con trâu được dân tộc Chăm dùng vào mục đích gì.

Một thành viên nhóm nghiên cứu
trong thử nghiệm nói chuyện với robot.
Các nhà khoa học Đại học Bách Khoa Hà Nội thực hiện nghiên cứu trên làm từ giữa năm 2009. Mới đây, robot được mang thử nghiệm tại khu trưng bày hiện vật của dân tộc Chăm, Khmer, Hoa tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam với dữ liệu khoảng 500 thông tin và cho kết quả tốt.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Cường, trong điều kiện ồn ào, nhiễu sóng như ở bảo tàng, robot nhiều khi vẫn chưa hiểu đúng yêu cầu của khách hàng. "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để robot có thể nhận dạng chính xác và nói tự nhiên như con người", tiến sĩ Cường nói.

Không có nhận xét nào: