Thông tư mới về sinh viên nước ngoài làm việc ở Pháp : những điều cần lưu ý


Thông tư mới về sinh viên nước ngoài làm việc ở Pháp : những điều cần lưu ý
Ngày 31/05/2012, tân chính phủ Pháp có thông báo hủy bỏ thông tư, ra đời cách đây đúng một năm, với tên thường gọi « thông tư Guéant », hướng dẫn các cơ quan chức năng xử lý hồ sơ việc làm của sinh viên người nước ngoài. Chủ đề của tạp chí Cộng đồng của RFI hôm nay là : thông tư mới của các Bộ Nội vụ, Lao động và Giảng dạy đại học Pháp có ý nghĩa như thế nào đối với các sinh viên người nước ngoài tốt nghiệp muốn làm việc tại Pháp, trong đó các sinh viên người Việt.

Bản thông tư mới vừa được ban hành đầu tháng này được coi là biện pháp cụ thể để chính phủ mới thi hành một trong những cam kết của tổng thống François Hollande, trước khi đắc cử.
Khách mời của chúng ta là anh Trần Duy Châu, phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), tốt nghiệp tiến sĩ ngành kỹ thuật điện, chị Phi Thùy Linh, luật gia, thông dịch viên tuyên thệ tại tòa Thượng thẩm Bordeaux và anh Phan Việt Phong, tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành khoa học vật liệu, từ Grenoble.
Thông tư mới gạt bỏ được tâm lý e ngại của người nộp hồ sơ
Anh Trần Duy Châu, phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), cho biết cảm nhận của anh về bản thông tư vừa được ban hành.
Anh Trần Duy Châu : Cảm tưởng đầu tiên của tôi, khi đọc văn bản này, là có thể nói là nhẹ cả người. Mình đặt mình vào hoàn cảnh của một bạn sinh viên, chuẩn bị tốt nghiệp, chuẩn bị đi xin việc, thì ngay từ lúc đọc văn bản này đã cảm thấy văn bản này có cách tiếp cận hoàn toàn khác với văn bản có cùng chủ đề, ra đời cách đây một năm, đấy là thông tri 31/05/2011 của Bộ Nội vụ Pháp, thường gọi là "thông tri Guéant".
Vì sao tôi nói như vậy ? Vì khi đọc và so sánh văn bản nói trên, cảm tưởng đầu tiên là văn bản thông tri 2011 là tập hợp của các hướng dẫn, trong những trường hợp nào thì cơ quan xét duyệt từ chối đơn xin chuyển đổi giấy tờ của người nộp đơn. Còn cái thông tri ra đời một năm sau, thì lại là tập hợp các hướng dẫn, trong những trường hợp nào cơ quan xét duyệt chấp nhận việc chuyển đổi giấy tờ cho người nộp đơn.
RFI : Bên cạnh cảm tưởng chung, xin anh cho biết các suy nghĩ của anh về các biện pháp mới, nếu có thể nói như vậy, trong thông tư mới ?
Anh Trần Duy Châu : Trước hết phải nói là, thông tri vừa ban hành năm 2012 về thực chất không đưa đến một thay đổi nào trong chính sách xét duyệt. Cái mà văn bản này làm được là, bằng việc thay thế văn bản 2011, đã gạt bỏ được tâm lý e ngại cho người nộp đơn. Thứ hai là, nó cũng gạt bỏ tâm lý chần chừ của các cơ quan xét duyệt. Bởi vì đây là chính là điểm gây tranh cãi trong thông tri 2011.
Có thể bởi vì, thông tri 2011 ra đời vào thời điểm hơi nhạy cảm, đấy là thời điểm ngay trước cuộc tranh cử tổng thống. Do đó, ngay từ phía cơ quan tiếp nhận văn bản này cũng có một cách xử lý và cách áp dụng, có thể nói là khá là máy móc trong các trường hợp xét duyệt. Thứ hai là nó gây ra, có thể nói là, sự lúng túng ở phía các cơ quan xét duyệt, gây nên một hậu quả không ai mong muốn. Đấy là thời gian xét duyệt của các hồ sơ bị kéo dài. Mà chính điều này mới gây ra một tâm lý e ngại, và tương đối là phiền phức cho sinh viên nước ngoài, trong thời gian đi tìm kiếm việc làm. Đây là điều thay đổi đầu tiên mà thông tri 2012 làm được.
Điều thứ hai là, thông tri mới đã đề xuất các mốc thời gian tương đối hợp lý trong việc xét duyệt hồ sơ, cụ thể là các cơ quan này được khuyến cáo phải gửi câu trả lời về các hồ sơ trong vòng 2 tháng. Và điều này có thể nói là một thứ thuốc bôi trơn hữu hiệu trong việc chuyển đổi giấy tờ.
Đặc biệt là các bạn sinh viên có các bộ hồ sơ nằm trong tình trạng treo từ tháng 7/2011 đến nay, có thể nói đây là thời điểm tốt nhất, mà các bạn có thể đề xuất xem xét lại, bởi một trong những điểm tích cực của thông tri mới là : các cơ quan xét duyệt được khuyến cáo cần ưu tiên xử lý các bộ hồ sơ, có thể nói là nằm trong trạng thái bị treo.
Công việc phù hợp năng lực là điều kiện tiên quyết
RFI Xin anh cho biết, giữa hai chuyện đi tìm kinh nghiệm làm việc đầu tiên và việc thay đổi quy chế (changement de statut), trong thông tri mới có chỉ ra các cách xử lý khác nhau không ?
Anh Trần Duy Châu : Vì đây là văn bản hướng dẫn thi hành luật, nên nội dung của nó là hướng dẫn chung cho cơ quan chấp hành, và không có khuyến cáo cụ thể nào cho từng trường hợp. Điểm chung của hai văn bản (mới và cũ) là khuyến cáo các Sở Nội vụ, nơi xét cấp các giấy tờ này là phải nghiên cứu kỹ các bộ hồ sơ của sinh viên nước ngoài. Có một điều có thể nhìn thấy rõ là, đây là cái cách để chính quyền đặt một dấu hỏi chấm trong cách tiếp cận thị trường lao động của sinh viên nước ngoài.
RFI Có phải « đặt dấu hỏi chấm » tức có nghĩa là để chính quyền hiểu rõ hơn và thẩm định rõ hơn đối với các sinh viên có nhu cầu làm việc tại Pháp để cho đúng thể thức và không xâm phạm đến quyền của người lao động Pháp ?
Anh Trần Duy Châu : Đúng như vậy. Việc đặt dấu hỏi chấm như vậy không có nghĩa là tiêu cực, mà theo nghĩa tích cực. Có nghĩa là, trong bối cảnh, thị trường lao động ngày càng cạnh tranh. Nên nói một cách dễ hiểu thì, văn bản này là một cái cách để giúp người tuyển dụng lựa chọn được các tài năng, những người có năng lực có giá trị nhất cho thị trường lao động của Pháp.
RFI : Anh là người trong ban lãnh đạo một hội sinh viên. Vậy xin anh cho biết, hội có phản ứng như thế nào trước văn bản mới này ?
Anh Trần Duy Châu : Hiện tại Hội Sinh viên UEVF đang thu thập các trường hợp sinh viên tốt nghiệp và đang làm thủ tục chuyển đổi giấy tờ trong thời điểm hiện tại. Theo chúng tôi được biết cho đến nay, có rất nhiều trường hợp khác nhau. Có những bạn sinh viên không xin được giấy tờ dẫn đến việc là phải về Việt Nam sau khi khóa học kết thúc. Cũng có bạn ở trong tình trạng là hồ sơ đã nộp quá lâu và hiện nay vẫn chưa có câu trả lời. Và cũng có trường hợp đã bị từ chối lần đầu tiên sau khi nộp hồ sơ, nhưng sau đó đã có những lý giải thích đáng với cơ quan cấp phép, và đi theo đúng hành lang pháp lý, và đã hồ sơ đã được chấp nhận.
Đối với các bạn sinh viên, thông tri 31/05/2012 cũng phần nào làm cho các bạn trút bỏ được tâm lý, và có đôi chút lo sợ trong việc đi xin chuyển đổi giấy tờ. Phản ứng thứ hai mà chúng tôi một phần nào thu thập được, đó là các bạn sinh viên đã chủ động hơn trong việc : thứ nhất là tìm hiểu luật pháp ở Pháp và thứ hai là tìm hiểu thị trường lao động, để có thể nói là « tiếp thị » năng lực của mình đến người tuyển dụng. Điều này như vậy giúp cho các bạn có thể đảm bảo được việc, thứ nhất là tìm được công việc phù hợp với năng lực của mình, mà đây chính là điều kiện tiên quyết trong việc xét tuyển các hồ sơ của các sở Nội vụ, và điều thứ hai nữa là có thể sự bảo lãnh tốt nhất từ doanh nghiệp của mình. Bởi vì khi người ta nhận thấy năng lực của mình tốt, thì người ta sẽ tìm mọi cách để bảo vệ hồ sơ của mình.
Anh Trần Duy Châu (Paris)
13/06/2012
Hợp tác với người tuyển dụng để chuẩn bị tốt hồ sơ
Trên góc độ pháp lý, chị Phi Thùy Linh, luật gia từ Bordeaux, sẽ trình bày và giải thích một số điều căn bản về bản thông tư mới, để giúp các bạn quan tâm có thêm những hiểu biết về những khó khăn và thuận lợi của việc hoàn chỉnh hồ sơ việc làm.
Luật gia Phi Thùy Linh : Thông tư ngày 31/05/2012 hủy bỏ hai thông tư cũ, thông tư 31/05/2011 và thông tư 12/01/2012 của chính phủ cũ. Thông tư mới có nội dung rất gần với thông tư 12/01/2012.
Về tinh thần chung của thông tư 31/05/2012, tôi nhận thấy thông tư này có sửa đổi một số quy định theo hướng đơn giản và phù hợp với thực tế hơn. Ví dụ như việc người sử dụng lao động phải chứng minh với sở Lao động là họ đã thông báo việc tuyển dụng đến các tổ chức tuyển dụng, nhưng không có kết quả. Trước đây, người sử dụng lao động phải chờ 2 tháng kể từ khi đăng thông báo tuyển dụng, thì mới được quyền tuyển lao động người nước ngoài, thì hiện nay, theo thông tư mới, thì chỉ cần đợi 3 tuần. Về thời hạn hồ sơ xin thẻ tạm trú 6 tháng và đổi  statut» cũng được rút ngắn hơn. Hiện nay là 2 tháng trước khi thẻ cũ hết hạn, trước kia là 4 tháng.
Có một thay đổi, theo tôi cũng phù hợp với thực tế hơn, là khi sinh viên xin thẻ tạm trú 6 tháng, thì không cần phải nộp bằng ngay, vì lúc đó chưa ai có bằng cả. Bạn có thể bổ sung vào hồ sơ sau.
Đối với các hồ sơ nộp sau ngày 01/06/2011 mà bị từ chối, thì bạn có quyền nộp lại hồ sơ.
Trên đây là một số thay đổi, tuy nhiên các điều kiện để xin thẻ tạm trú 6 tháng và đổi statut thì hoàn toàn giống trước đây. Theo tôi, có một số quy định trong thông tư không rõ ràng, đó là vấn đề « opposabilité de l’emploi », tạm dịch là « khả năng phản đối công việc ». Về nguyên tắc, khi không có hiệp định giữa Pháp và quốc gia của người nước ngoài, thì người tuyển dụng lao động phải chứng minh được rằng, họ không tìm được thí sinh khác, ngoài thí sinh nước ngoài. Nói cách khác, bạn là người duy nhất đáp ứng được công việc cần tuyển. Khái niệm này là khá rộng, và đây là nguyên nhân chủ yếu mà sở Lao động từ chối cấp giấy phép lao động.
Trên thực tế, nhiều người sử dụng lao động không nắm được thủ tục tuyển người nước ngoái, họ không nghĩ là thủ tục lại có thể phức tạp đến như vậy. Theo tôi, bạn có thể cùng người sử dụng lao động chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép lao động. Nên lưu ý là, nội dung thông báo tuyển người phải rất là cụ thể. Người tuyển dụng cần phải giữ lại các CV, mà họ nhận được và các bắng chứng họ đã tiến hành các buổi tuyển dụng, nhắm chứng minh là họ không tìm được ai khác ngoài bạn. Nếu hồ sơ của bạn đầy đủ, thì sở Lao động khó từ chối cấp giấy phép. Hơn nữa, trong trường hợp bị từ chối bạn có đầy đủ bằng chứng để khởi kiện trước tòa án hành chính.
Đăng ký ngành nghề phải rất cụ thể
RFI Xin luật gia giải thích rõ hơn về vấn đề « opposabilité de l’emploi », nghĩa vụ của người tuyển lao động chứng minh không tuyển được người tại chỗ ?
Luật gia Phi Thùy Linh : Vấn đề opposabilité de l’emploi là một trong ba điều kiện mà sở Lao động đánh giá hồ sơ. Trong ba điều kiện này, theo tôi, hai điều kiện kia, liên quan đến bằng cấp và công việc phù hợp với đào tạo, thì rất rõ ràng. Chỉ có khái niệm về opposabilité de l’emploi thì rất chung chung. Chính vì thế sở Lao động có quyền quyết định rất lớn, trừ trường hợp có hiệp định giữa Pháp và quốc gia của người nước ngoài, và nhóm 14 ngành nghề thiếu lao động. Chính vì thế, nên hồ sơ của bạn về khía cạnh này phải thật đầy đủ. Bạn cần phải chuẩn bị hồ sơ với người tuyển dụng, vì phần lớn người ta không nắm rõ được thủ tục tuyển người nước ngoài, và thường là rất chủ quan.
Mình không thể nói chung chung về ngành nghề tuyển dụng. Ví dụ về nghề tư vấn, thì phải nói rõ tư vấn trong lĩnh vực gì. Người tuyển dụng cần giữ lại các bằng chứng về quá trình tuyển dụng.
Và cuối cùng, theo tôi, bạn có thể viết kèm trong hồ sơ xin đổi statut, một lá thư, nói rõ quá trình học tập làm việc của bạn tại Pháp, và dự định nghề nghiệp trong tương lai. Như vậy, người đánh giá hồ sơ sẽ hiểu rõ về bạn hơn, vì theo tinh thần của thông tư, người đánh giá hồ sơ sẽ xem xét từng trường hợp một, một cách cụ thể.
Tôi cũng có một lời khuyên nhỏ, là khi viết thư, bạn nên nhờ ai đó đọc và sửa. Một bức thư « lettre de motivation » cũng không cần dài, chỉ cần một trang giấy thôi, nhưng nên ngắn gọn súc tích, lôgic và hành văn tốt. Tôi nghĩ đó là điểm lợi thế cho hồ sơ đổi statut của bạn.
Luật gia Phi Thùy Linh (Bordeaux)
13/06/2012
 Trường hợp bị từ chối hồ sơ, nhưng đã khiếu nại thành công
Khách mời cuối cùng của tạp chí là anh Phan Việt Phong, tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành khoa học vật liệu. Anh Phong là người đã trực tiếp trải qua những khó khăn trong thời gian làm thủ tục hồ sơ thay đổi quy chế, sau khi bản thông tư Guéant có hiệu lực. Tuy nhiên, sau khi bổ sung và gửi lại hồ sơ, thì hồ sơ của anh đã được chấp thuận vào tháng 1 năm nay, tức là sau khi chính phủ cũ ra thông tư sửa đổi, bổ sung ngày 12/01/2012. Sau đây là một số chia sẻ của anh Phan Việt Phong.
Anh Phan Việt Phong : Về kinh nghiệm cá nhân của em, em làm « renouvellement titre de sejours » năm đầu tiên, vào tháng 7/2011, sau đó đến tháng 12, thì em nhận được câu trả lời từ chối của préfecture Grenoble, với lý do là, với « profil » của mình, thì có nhiều người thất nghiệp tại vùng em ở.
Khi nhận được giấy báo từ chối như vậy thì ắt hẳn là các bạn sinh viên khác, cũng như ai mới chuẩn bị bắt đầu đi làm, cũng bắt đầu hoang mang, tuy nhiên, sau đó em đã làm một « recours », theo đúng quy trình pháp luật và gửi lại Bộ Nội vụ Pháp, theo đúng trình tự. Thì sau đó em nhận được trả lời chấp thuận.
Trong quá trình làm thủ tục, các bạn sinh viên nên chú ý luôn luôn thông báo với công ty, nơi mình làm việc, và nhờ công ty giúp đỡ. Bởi vì, theo luật của Pháp, công ty tuyển mình phải « justifier », tức là nói lên được lý do mà họ cần tuyển mình, những kinh nghiệm đặc biệt cần cho vị trí mà các bạn sắp làm hoặc đang làm, thì như vậy, préfecturemới có thể cho lại giấy phép.
Nếu các bạn rơi vào trường hợp người ta dựa vào code ROME để mà nói lý do từ chối, thì các bạn cần lưu ý, thực chất là mỗi một mục của code ROME tương ứng với một lĩnh vực ngành nghề rất rộng, ví dụ như « khoa học tự nhiên » là cái trùm lên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt khi làm giấy tờ chuyển đổi, các bạn nên yêu cầu công ty ghi rõ các «compétences spécifiques », tức là kinh nghiệm đặc trưng, đặc thù của vị trí các bạn đang làm. Bởi vì nếu chỉ ghi chung chung, thì họ sẽ rất dễ từ chối, vì như thế họ không có cơ sở để nói rằng, vị trí của bạn là vị trí đặc thù, không ai có thể thay thế được, đặc biệt là bởi những người đang thất nghiệp tại Pháp. Trong tình hình kinh tế châu Âu và Pháp đang khó khăn, thất nghiệp lên cao, hồ sơ của bạn sẽ rất dễ bị từ chối.
Theo mình, thì các bạn sinh viên cũng không nên quá hoang mang trong vấn đề giấy phép làm việc. Bởi vì hiện nay, đã có một thông tư mới, để làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề. Ngoài ra thì, nếu chẳng may có bị từ chối, thì cũng bình tĩnh và làm đúng quy trình. Có thể tìm hiểu và gặp gỡ các luật sư, tham khảo luật sư chuyên về luật cho người nước ngoài, sau đó thì làm đúng các quy trình thủ tục cần thiết, và luôn luôn nhờ công ty ở bên cạnh mình, tức là tiếp tục làm hồ sơ và gửi thêm các thông tin chi tiết hơn về các công việc bạn sắp làm trong công ty. Làm như vậy thì, thường theo kinh nghiệm cá nhân của mình, tất cả các trường hợp đều diễn ra rất là tốt đẹp.

Anh Phan Việt Phong (Grenoble)
13/06/2012

RFI xin chân thành cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian cho Tạp chí để chia sẻ với quý thính giả một số hiểu biết trong lĩnh vực này.
TRỌNG THÀNH - RFI

Không có nhận xét nào: